ĐÀO TẠO VÀ CUNG ỨNG NHÂN LỰC XUẤT NHẬP KHẨU

van-don-duong-bien-bill-of-lading

Bill of Lading – Vận đơn đường biển

Bill of Lading – Vận đơn đường biển

Bill of Lading – Vận đơn đường biển có các nội dung và chức năng gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Là một trong những phương thức vận chuyển hàng hóa quốc tế ra đời sớm nhất, nhưng cho tới ngày nay, vận tải hàng hóa bằng đường biển vẫn đang là phương thức vận chuyển hàng hóa được ưa chuộng vì nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, khối lượng chuyên chở khổng lồ, thích hợp vận chuyển phần lớn các loại hàng hóa…

Học xuất nhập khẩu cùng Mr Hà Lê 

van-don-duong-bien-bill-of-lading

Theo số liệu thống kê thì vận tải biển chiếm tỷ trọng khoảng 80% khối lượng hàng hóa chuyên chở trên toàn thế giới. Và trong vận tải biển, có một chứng từ vô cùng quan trọng, đó chính là Vận đơn đường biển – Bill of Lading hay viết tắt là B/L. Vậy B/L là gì, chức năng là gì, có nội dung ra sao, có những loại B/L nào? Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về loại chứng từ này nhé.

Vận đơn đường biển là một chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển do người chuyên chở (Carrier) hoặc đại lý của người chuyên chở (As only Agent) cấp cho người gửi hàng (Shipper) sau khi đã xếp hàng lên tàu hoặc sau khi đã nhận hàng để xếp lên tàu.

Vận đơn có 3 chức năng chính:

– Nó là bằng chứng xác nhận hợp đồng vận tải đã được ký kết và chỉ rõ nội dung của hợp đồng đó. Với chức năng này, nó xác định quan hệ pháp lý giữa người vận tải và người chủ hàng, mà trong đó, đặc biệt là quan hệ pháp lý giữa người vận tải và người nhận hàng.

– Nó là biên lai của người vận tải xác nhận đã nhận hàng để chuyên chở. Người vận tải chỉ giao hàng cho người nào xuất trình trước tiên vận đơn đường biển hợp lệ mà họ đã ký phát ở cảng xếp hàng.

– Nó là chứng từ xác nhận quyền sở hữu đối với những hàng hóa đã ghi trên vận đơn. Với chức năng này, vận đơn là một loại giấy tờ có giá trị, được dùng để cầm cố, mua bán, chuyển nhượng. Đây cũng là chức năng quan trọng nhất của vận đơn đường biển.

Trên vận đơn đường biển thường có các nội dung sau:

Mặt trước:
– Tên và địa chỉ người vận tải, những chỉ dẫn khác theo yêu cầu.
– Cảng xếp hàng (Port of Loading)
– Cảng dỡ hàng (Port of Discharge)
– Tên và địa chỉ người gửi hàng (Consignor/Shipper)
– Tên và địa chỉ người nhận hàng (Consignee)
– Đại lý, bên thông báo chỉ định (Notify Party)
– Tàu chuyên chở (Ocean Vessel)
– Tên hàng, ký mã hiệu, số lượng kiện, trọng lượng cả bì hoặc thể tích
– Cước phí và phụ phí trả cho người vận tải, điều kiện thanh toán
– Thời gian và địa điểm cấp vận đơn
– Số bản gốc vận đơn
– Chữ ký của người vận tải (hoặc của thuyền trưởng hoặc người đại diện của thuyền trưởng, hoặc đại lý)

Mặt sau:
– Các khái niệm
– Trách nhiệm của người chuyên chở
– Miễn trách của người chuyên chở
– Quy định về xếp, dỡ, bảo quản hàng hóa
– Cước phí và phụ phí
– Điều khoản về chiến tranh, đình công, bạo động, nổi loạn dân sự
– Điều khoản về chậm giao hàng
– Điều khoản về tổn thất chung
– Điều khoản hai tàu đâm va nhau cùng có lỗi
– Điều khoản tối cao

Phần mặt sau của vận đơn gồm các nội dung có liên quan tới chính sách vận chuyển do hãng tàu quy định. Nếu người gửi hàng chấp nhận sử dụng dịch vụ của hãng tàu tức là đã mặc nhiên công nhận các điều khoản đó, không có quyền sửa chữa hay bổ sung thêm bớt. Mặc dù đây là những điều khoản do hãng tàu tự quy định nhưng chúng thường phù hợp với quy định của các công ước, tập quán quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Vận đơn được phân loại theo nhiều cách, và sau đây là một vài cách chia chính mà bạn nên nhớ.

1. Phân loại theo khả năng lưu thông của nó

Như chúng ta đã biết, chức năng quan trọng nhất của vận đơn, cũng chính là chức năng khiến vận đơn trở thành chứng từ quan trọng bậc nhất khi vận chuyển hàng hóa đường biển là chứng từ xác nhận quyền sở hữu đối với hàng hóa được ghi trên vận đơn. Vận đơn có khả năng lưu thông hay không, là căn cứ vào việc vận đơn đó có khả năng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với hàng hóa in trên nó hay không. Và khi chia theo khả năng lưu thông, thì vận đơn sẽ có 3 loại:

_ Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading): là vận đơn mà trên đó người ta ghi rõ tên và địa chỉ người nhận ở mục consignee. Người chuyên chở chỉ được giao hàng hóa cho chính người được ghi trên vận đơn. Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng bằng việc kí hậu (Kí hậu là gì thì bọn mình xin phép giải thích ở bên dưới). Chính vì việc không thể chuyển nhượng được nhưng trong buôn bán cần sự linh hoạt nên vận đơn này thường chỉ áp dụng cho một số trường hợp như hàng cá nhân gửi cá nhân, quà biếu, quà tặng, hàng triển lãm, công ty mẹ con gửi cho nhau,..

_ Vận đơn theo lệnh (To Order Bill of Lading): là vận đơn mà trên đó không ghi tên và địa chỉ người nhận hàng mà chỉ ghi “theo lệnh” (to order) hoặc có ghi tên của người nhận hàng nhưng đồng thời ghi thêm “hoặc theo lệnh” (or to order). Người được nhận hàng là người được chỉ định bởi người ra lệnh trên vận đơn bằng việc kí hậu.
Trên vận đơn này tại mục người nhận hàng (Consignee) có thể ghi:
– To order of shipper – theo lệnh của người gửi hàng
– To order of consignee – theo lệnh của người nhận hàng
– To order of bank – theo lệnh của ngân hàng thanh toán
Chính vì sự linh hoạt do có thể chuyển nhượng được nên đây là loại vận đơn thông dụng nhất trong thương mại và vận chuyển hàng quốc tế.

_ Vận đơn vô danh (To Bearer B/L): là loại B/L trên đó không ghi tên người nhận hàng, hoặc ghi rõ là vô danh, hoặc phát hành theo lệnh nhưng không ghi rõ là theo lệnh của ai, hoặc phát hành theo lệnh cho một người hưởng lợi nhưng người đó đã ký hậu vận đơn và không chỉ định một người hưởng lợi khác. Loại vận đơn này có khá nhiều rủi ro đối với người gửi hàng vì bất kì ai có trong tay vận đơn đều có thể lấy được hàng, vì thế nó cũng ít được sử dụng.

*Kí hậu vận đơn (Endorsement): là một thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa ghi trên B/L từ người hưởng lợi này sang người hưởng lợi khác. Muốn kí hậu vận đơn, người kí hậu phải kí tên, đóng dấu vào mặt sau của B/L và trao lại cho người hưởng lợi mới. Về pháp lý, hành đồng này thừa nhận việc từ bỏ quyền sở hữu với hàng hóa ghi trên vận đơn và trao quyền này cho người hưởng lợi mới.
Người ký hậu phải tuân thủ các quy định:
+ Ký hậu bằng ngôn ngữ của chính người hưởng lợi trên B/L
+ Phải ký vào chính B/L gốc
+ Phải thể hiện rõ ý chí về việc chuyển nhượng quyền sở hữu B/L
Các cách ký hậu (Có phần khá giống với phân loại theo khả năng lưu thông của vận đơn)
+ Ký hậu đích danh: mặt sau của B/L gốc, người ký hậu ghi rõ tên người hưởng lợi, ký và đóng dấu xác nhận
+ Ký hậu theo lệnh: mặt sau của B/L gốc, người ký hậu ghi “theo lệnh của…”
+ Ký hậu vô danh/để trống: mặt sau của B/L gốc, người ký hậu chỉ ghi tên mình, ký và đóng dấu xác nhận hoặc ghi rõ là để trống

2. Phân loại theo căn cứ vào tình trạng bốc xếp hàng hóa

+ Vận đơn đã bốc xếp hàng (Shipped on board bill of lading): là loại vận đơn được phát hành sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu.

+ Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for Shipment Bill of Lading): là loại vận đơn được phát hành sau khi người chuyên trở nhận hàng và cam kết sẽ xếp hàng và vận chuyển hàng hóa bằng con tàu ghi trên vận đơn .

3. Phân loại theo nhận xét, ghi chú trên vận đơn

+ Vận đơn sạch hoặc vận đơn hoàn hảo (Clean B/L): Là vận đơn mà trên đó không có những ghi chú nói một cách rõ ràng rằng hàng hóa hoặc bao bì của hàng hóa có khuyết điểm. Ngoài ra, một số ghi chú chung chung như “không biết về số lượng, phẩm chất, nội dung hàng hóa” hoặc “bao bì dùng lại, thùng cũ” không làm mất đi tính hoàn hảo của vận đơn. Muốn lấy được vận đơn hoàn hảo thì khi xếp hàng lên tàu phải đảm bảo hàng không bị hư hỏng, đổ vỡ, bao bì hàng không bị rách hay ướt.

+ Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L): Ngược lại với vận đơn hoàn hảo, trên vận đơn không hoàn hảo có các ghi chú nhận xét xấu về hàng hóa hoặc bao bì của chúng. Ví dụ vận đơn bị thuyền trưởng ghi một số bao bì rách, có thùng các tông bị ướt, kí mã hiệu không rõ,…

4. Căn cứ vào tính pháp lý của vận đơn

+ Vận đơn gốc (Original B/L): Vận đơn được kí bằng tay bởi người phát hành, có khả năng giao dịch và chuyển nhượng, có thể có hoặc không có chữ Original.

+ Vận đơn bản sao (Copy B/L): Vận đơn phụ của bản gốc, không có chữ kĩ tay của người phát hành, thường có chữ Copy, không có khả năng giao dịch hay chuyển nhượng.

5. Phân loại theo hành trình của tàu

+ Vận đơn đi thẳng (Direct B/L): Sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng bốc hàng tới cảng dỡ hàng chỉ bằng một con tàu, không có chuyển tải dọc đường. Chuyển tải là việc chuyển hàng hóa từ con tàu này sang con tàu khác tại 1 cảng dọc đường gọi là cảng chuyển tải để chở hàng tới cảng đích. Thực tế là mỗi hãng tàu đều chỉ có nguồn lực hạn chế, gần như không thể cover mọi cảng và mọi hải trình, nên việc chuyển tải để chuyên chở hàng là một việc hết sức bình thường trong chuyên chở quốc tế.

+ Vận đơn chở suốt (Throught B/L): Sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng tới cảng dỡ hàng cuối cùng bằng hai hay nhiều con tàu của hai hay nhiều người chuyên chở, nghĩa là hàng hóa buộc phải chuyển tải dọc đường. Trên vận đơn này có điều khoản cho phép chuyển tải hàng, ghi rõ tên cảng đi, cảng chuyển tải, tên các tàu chuyên chở, cảng đích. Người cấp vận đơn này sẽ phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt quá trình chuyên chở ngay cả khi hàng trên phương tiện chuyên chở của người chuyên chở khác.

+ Vận đơn vận tải đa phương thức (Combined Transport B/L): Là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở bằng vận tải đa phương thức. Mình sẽ dành 1 bài riêng để viết về phương thức vận tải này, mong các bạn sẽ theo dõi.

6. Một số loại chứng từ gửi hàng đường biển khác cần lưu ý

– Vận đơn đã xuất trình tại cảng gửi (Surrendered B/L): Sử dụng trong trường hợp người gửi hàng xuất trình vận đơn tại cảng gửi hàng, sau đó người chuyên chở hoặc đại lý của họ sẽ đóng dấu “Surrendered” tức là “đã xuất trình”, đồng thời điện báo cho đại lý của họ tại cảng tới để trả hàng cho người tới nhận mà không cần vận đơn gốc. Người gửi hàng sẽ Fax bản vận đơn này cho người nhận là có thể nhận hàng.

– Vận đơn có thể thay đổi (Switch B/L): Sử dụng vận đơn này có thể thay đổi một số chi tiết trên B/L như cảng xếp, cảng dỡ, ngày gửi,…

– Vận đơn gom hàng (House B/L): Sử dụng khi người gửi gửi hàng LCL tức hàng lẻ, sẽ được người gom hàng cấp vận đơn House B/L.

– Giấy gửi hàng đường biển (Sea WayBill): Khi dùng giấy gửi hàng đường biển, người nhận hàng chỉ cần đem giấy tờ để chứng minh mình là người nhận hàng theo giấy gửi hàng là có thể nhận được hàng.

– Vận đơn bên thứ ba (Third Party B/L): Sử dụng khi người hưởng lợi trên L/C không phải là người gửi hàng. Thường được sử dụng khi một xí nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu ủy thác qua một đơn vị xuất nhập khẩu khác.

– Biên lai thuyền phó (Mate’s Recceipt): Biên lai ghi chép về việc xếp hàng lên tàu do Thuyền trưởng hoặc Thuyền phó lập. Trên đó ghi rõ tình hình về hàng hóa như số lượng, khối lượng, tình trạng. Mate’s Receipt là cơ sở để thành lập vận đơn.

 

Một số lưu ý về vận đơn

– Thanh toán bằng L/C chỉ chấp nhận vận đơn sạch, đã xếp hàng lên tàu. Thế nên nếu bạn gửi hàng, được cấp vận đơn nhận hàng để xếp thì cần chờ tới ngày hàng được xếp lên tàu để xin thuyền trưởng đóng dấu “Shipped on Board” lên vận đơn.

– Vận đơn là chứng từ sở hữu hàng hóa trên vận đơn. Thế nên việc giữ gìn vận đơn là vô cùng quan trọng. Trong thực tế như mình tìm hiểu, nếu bạn làm mất bộ vận đơn gốc, để lấy được hàng buộc phải đặt cọc cho hãng tàu hoặc xin bảo lãnh từ ngân hàng với khoản tiền bằng 110% giá trị của cả lô hàng trong thời gian thường là hai năm.

 

Học xuất nhập khẩu cùng Mr Hà Lê 

***********************

Hoàn toàn tự tin với kiến thức, kỹ năng thực tế từ những khóa học Xuất nhập khẩu của Trung tâm Xuất nhập khẩu Hà Lê:

  • Khóa học nghiệp vụ Xuất nhập khẩu – Logistics
  • Khóa học Logistics
  • Khóa học khai báo hải quan ECUS/VNACCS
  • Khóa học Tiếng Anh Xuất nhập khẩu – Logistics
  • Khóa học Xuất nhập khẩu chuyên sâu

 

Trung tâm Xuất nhập khẩu – Logistics Hà Lê

Tầng 2 tòa nhà Florence số 28 Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0985774289

 

 

 

 

 

 

 

Mời bạn để lại email để được nhận thông tin chia sẻ mới nhất nhé!

    ĐỊA CHỈ CỦA CHÚNG TÔI

    MIỀN BẮC
    Hà Nội: Tầng 5, Số 86 đường Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

    LIÊN HỆ TƯ VẤN

    Copyright @2019 MrHale.vn